[NDH] Nguyễn Hà Linh – Forbes 30 Under 30: 'Tôi không nghĩ mình là cô gái triệu USD'

[NDH] Nguyễn Hà Linh – Forbes 30 Under 30: 'Tôi không nghĩ mình là cô gái triệu USD'

Bài viết gốc được đăng tải trên NDH

(NDH) Kinh doanh trong nhiều lĩnh vực và đều đạt được những thành công nhất định nhưng Nguyễn Hà Linh cho biết cô chưa từng bắt tay vào dự án nào mà điều đầu tiên nghĩ đến là lợi nhuận.

Chúng tôi hẹn gặp Nguyễn Hà Linh sau 3 năm cô được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh trong Top 30 under 30 ở lĩnh vực khởi nghiệp. Thật khó để dùng một danh xưng nào đó để gọi nữ doanh nhân sinh năm 1988 này bởi Hà Linh là người sáng lập trung tâm Anh ngữ IBEST; Đồng sáng lập chuỗi nhà hàng tráng miệng Thái Koh Samui; Đồng sáng lập và CEO chuỗi nhà hàng Thái Koh Yam; Một trong các đối tác nhượng quyền của Cộng cà phê và giờ đây còn là chủ của một chuỗi homestay và studio trang điểm.

(Xem thêm: CEO sinh năm 88 kiếm 200 triệu/tháng: Sở hữu 4 quán cafe Cộng và quán Thái Koh Samui)

Thành công đến với Hà Linh khá nhanh nhưng con đường khởi nghiệp của cô gái trẻ không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Có những thời điểm Hà Linh chấp nhận lắng xuống, khép lại một mô hình kinh doanh chưa phù hợp để chuẩn bị cho những bước tiến tiếp theo.

 

Phóng viên Người Đồng Hành đã có cuộc trò chuyện với Hà Linh để nghe cô chia sẻ về cuộc sống và công việc kinh doanh của mình

 

-So với thời điểm được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh trong Top 30 under 30, công việc hiện tại của chị có gì thay đổi?

Tại thời điểm được Forbes vinh danh, tôi tập trung vào 2 mảng kinh doanh chính là chuỗi đồ ăn tráng miệng Thái Koh Samui và quản lý một số quán cà phê Cộng được mua nhượng quyền.

Hiện nay, chuỗi nhà hàng Koh Samui được chúng tôi nâng cấp lên thành nhà hàng chuyên đồ ăn Thái, đặt tên là Koh Yam. Năm 2018 là có thể coi là năm bước ngoặt của Koh Yam khi sau một thời gian chạy thử nghiệm, chúng tôi đã mở rộng ra 3 cơ sở. Mục tiêu của năm 2019 của Koh Yam là củng cố lại các cửa hàng đang vận hành, đồng thời mở thêm 2 cơ sở mới.

-Điều đó đồng nghĩa với việc thương hiệu Koh Samui hiện nay không còn nữa?

Thương hiệu Koh Samui không mất đi mà được nâng cấp thành Koh Yam. Ngoại trừ những cửa hàng không đáp ứng yêu cầu của mô hình mới đã đóng cửa, các cơ sở của Koh Yam hiện vẫn được đặt tại các địa điểm cũ của Koh Samui.

-Quay lại năm 2016, khi 2 cửa hàng đầu tiên của Koh Samui đóng cửa, thương hiệu này vấp phải một số bình luận tiêu cực từ dư luận, chị đối mặt với điều này như thế nào?

Bản thân tôi không đánh giá điều này là tiêu cực vì những điều tôi làm đều đã nằm trong dự liệu. Những người bên ngoài có thể đón nhận thông tin theo cách họ muốn hiểu, còn tôi chỉ dành thời gian cho công việc và phát triển các kế hoạch kinh doanh mới. Theo tôi, khi cảm thấy cửa hàng không còn phù hợp thì nên đóng lại để tập trung cho những dự định tiếp theo.

 

-Chị có nghĩ việc phát triển quá nhanh trong thời gian đầu khiến Koh Samui không thể giữ vững “phong độ” và phải đóng cửa một số cửa hàng?

Tôi cho rằng nguyên nhân không nằm ở việc phát triển quá nhanh. Với một mô hình không khó để nhân rộng, nếu mình không phát triển nhanh để chiếm lĩnh thị trường sẽ có những thương hiệu khác làm điều đó. Tên gọi Koh Samui không phải tự nhiên được mọi người biết đến nhiều. Tuy nhiên khi một mô hình kinh doanh đến giai đoạn bão hòa, nó sẽ bị thị trường tự đào thải.

Bên cạnh đó, với bất kỳ thương hiệu nào khi phát triển đều có thể trải qua giai đoạn chấp nhận “chệch choạc” trong câu chuyện vận hành. Bạn không thể chờ vận hành “ready” thì mới mở rộng, mà phải vừa mở rộng vừa tiếp tục hoàn thiện mô hình. Trong quá trình tự hoàn thiện những điều còn thiếu, thương hiệu cũng có thể bị thị trường tự đào thải. Khi đó cần tìm ra mô hình khác để “thế chân” vào những điều mình đã làm sai. Nhất là với đồ tráng miệng Thái phát triển theo trào lưu, mà trào lưu thường qua rất nhanh nên chúng tôi cần phát triển một mô hình kinh doanh bền vững hơn dù chi phí đầu tư lớn hơn.

-Với Nguyễn Hà Linh, Koh Samui được coi là thành công hay thất bại?

Tôi luôn coi đó là thành công vì không phải thương hiệu nào tạo ra cũng nhận được sự đón nhận của khách hàng đồng thời để lại dấu ấn nhất định cho cả thương hiệu và người sáng lập.

Tất nhiên là làm chuyện gì cũng có thời. Koh Samui ra đời cùng thời điểm bùng nổ kinh doanh theo mô hình F&B. Những thương hiệu do người Việt trẻ làm ra như Koh Samui, The Kafe hay Cộng được truyền thông và nhiều khách hàng ghi nhận. Dù vậy, để một thương hiệu thành công vẫn cần có yếu tố may mắn, vì vậy tôi không nghĩ Koh Samui là thất bại.

-Từ câu chuyện của Koh Samui, chị rút ra bài học gì khi phát triển thương hiệu mới?

Bài học mà tôi rút ra sau quá trình phát triển Koh Samui đó là khi tìm ra được một mô hình kinh doanh tâm huyết, tôi sẽ không đi theo hướng số lượng nữa. Tôi hiểu rằng bài toán số lượng chỉ đúng với một số mô hình. Với những mô hình cần “chiều sâu”, mình cần chăm chút nó như đứa con tinh thần của mình.

Bên cạnh đó, không phải ai cũng có thể trở thành đối tác nhượng quyền. Chúng tôi muốn hợp tác với những người tâm huyết và thật sự phù hợp với đường hướng phát triển của thương hiệu. Chỉ như vậy hai bên mới đi cùng nhau lâu dài được.

 

-So với Koh Samui, mô hình của Koh Yam có điều gì khác biệt?

Trước đây Koh Samui chủ yếu bán trà bánh, còn Koh Yam giờ là một nhà hàng Thái hoàn chỉnh với hơn 100 món ăn trong menu. Tập khách hàng của chúng tôi cũng có sự dịch chuyển, Koh Samui hướng đến lứa tuổi “teen” và các khách hàng trẻ thích sự trải nghiệm mới. Còn khách hàng của Koh Yam hiện nay phần lớn là dân văn phòng và các gia đình. Họ là những người có thu nhập ổn định và khá trung thành với thương hiệu. Có những khách khách một tuần có thể đến Koh Yam ăn 5-7 bữa.

-Koh Yam có triển khai nhượng quyền giống như Koh Samui đã làm?

Mô hình kinh doanh nhà hàng này khó hơn, đòi hỏi những nhà đầu tư phải hết sức tâm huyết. Vì vậy, chúng tôi vẫn chủ trương là các cổ đông chính tự đầu tư, chỉ khi gặp những đối tác thật sự phù hợp mới tiến hành nhượng quyền.

-Thị trường hiện nay có rất nhiều nhà hàng kinh doanh món Thái, Koh Yam làm thế nào để cạnh tranh?

Ngay từ đầu chúng tôi đã xây dựng Koh Yam theo phong cách hướng đến sự trẻ trung, hiện đại và có “gu” như Koh Samui. Chúng tôi không đi vào phân khúc nhà hàng Thái truyền thống và tầng lớp khách hạng sang. Koh Yam hướng đến khách hàng theo diện rộng với tầm giá chỉ bằng khoảng 2/3 các nhà hàng Thái trên thị trường. Menu vẫn phải tuân thủ những món ăn đặc trưng của Thái, bên cạnh đó chúng tôi cũng mở rộng những món mang dấu ấn của nhà hàng. Rất may mắn là Koh Yam đã tạo ra được chất riêng, không lẫn với những thương hiệu khác.

 

-Trong một cuộc khảo sát nhỏ với các khách hàng của Koh Yam, nhiều người vẫn gọi tên nhà hàng là Koh Samui. Theo chị đây là thuận lợi hay khó khăn khi phát triển thương hiệu mới?

Theo tôi nguyên nhân dẫn đến điều này là do việc mở rộng Koh Yam không nhanh như Koh Samui. Bên cạnh đó, các nhà hàng của Koh Yam vẫn được đặt ở những địa điểm cũ của Koh Samui. Nhiều khách hàng đã yêu quý Koh Samui từ khi ăn đồ tráng miệng ở đó và khi chúng tôi chuyển đổi mô hình họ vẫn rất ủng hộ.

Bản thân chúng tôi khi mới mở Koh Yam vẫn để biển “By Koh Samui” để người đi qua không nghĩ rằng thương hiệu đã đổi chủ hay một quán hoàn toàn khác. Nhưng sau này tôi nhận ra điều đó không còn quan trọng bởi khách hàng đến vì dịch vụ và món ăn của quán.

Tất nhiên trong câu chuyện làm thương hiệu, tôi luôn mong muốn thương hiệu mới được nhắc đến và nhiều người biết đến hơn. Nhưng khi cái cũ đã quá nổi bật, cái mới cần nhiều thời gian hơn để được mọi người ghi nhớ.

-Ngoài Koh Yam, chị cũng đang kinh doanh homestay và mở studio trang điểm?

Đúng là tôi có làm homestay và mở một studio trang điểm, những công việc này xuất phát từ niềm yêu thích của bản thân. Tuy nhiên, kinh doanh nhà hàng vẫn là lĩnh vực tôi đang tập trung phát triển.

-Bước vào lĩnh vực kinh doanh mới, chị thấy có gì khó khăn hơn so với ngành hàng ăn uống?

Homestay là một mô hình đơn giản hơn, không liên quan quá nhiều đến vận hành và nhân sự nhưng nó giúp tôi có thể tận dụng được kinh nghiệm và thế mạnh “set-up” (bố trí, sắp xếp-PV) của mình. Tính tôi rất khó ngồi yên được một chỗ, vì vậy khi nhìn thấy một cơ hội mới lại được làm những điều mình yêu thích là tôi bắt tay vào làm ngay.

-Sáng lập trung tập tiếng Anh IBEST, mở chuỗi nhà hàng Koh Samui và bây giờ là Koh Yam, kinh doanh homestay và studio trang điểm, Nguyễn Hà Linh là một người rất giàu năng lượng?

Tôi nghĩ mình là một người thừa năng lượng (cười).

-Vậy lĩnh vực tiếp theo mà chị dự định theo đuổi là gì?

Hiện nay tôi vẫn chưa có dự định gì, dù mỗi ngày vẫn có nhiều người bạn rủ tôi kinh doanh cái này, cái kia nhưng sau nhiều năm, tôi đã học được cách nói “Không”. Để nói về điều mình thích thì có rất nhiều nhưng tôi hiểu rõ đâu là thế mạnh, điểm yếu và lĩnh vực mình cần tập trung phát triển.

 

-Với một người bận rộn như chị, một ngày thường diễn ra như thế nào?

Thú thật tôi không phải một người làm việc theo kế hoạch. Mọi người nhìn vào có thể nghĩ tôi biết sắp xếp công việc rất tốt nhưng tôi nhận thấy mình thường làm việc theo cảm hứng. Tất nhiên với những ngày phải gặp khách hàng, đối tác thì tôi phải ưu tiên cho các cuộc hẹn này.

Công việc chính của tôi liên quan đến “set-up” do đó nó thường có tính chu kỳ. Khi chuẩn bị mở một nhà hàng hay homestay mới, một ngày của tôi sẽ quay cuồng với công việc. Còn khi chúng đã đi vào vận hành, công việc sẽ được giao cho những nhân sự chủ chốt. Tôi sẽ có nhiều thời gian để làm những công việc khác như nghiên cứu cái mới, họp hành với nhân viên, mở rộng các mối quan hệ, làm đẹp hay đi du lịch.

-Như vừa chia sẻ, chị chỉ đóng vai trò bao quát công việc còn triển khai hoạt động hàng ngày sẽ là các nhân viên. Vậy tiêu chí lựa chọn nhân sự của chị là gì?

Tiêu chí chọn nhân sự của tôi từ trước đến nay là “multi-task” (đa nhiệm). Vì tôi làm rất nhiều việc cùng lúc nên tôi cũng cần những nhân viên linh hoạt. Sự linh hoạt đó thể hiện ở việc các bạn không ngại khó ngại khổ bởi bản thân tôi là một người ôm đồm. Bình thường tôi khá thoáng tính nhưng khi bắt tay vào công việc lại rất cầu toàn.

-Kinh doanh nhiều lĩnh vực và đều đạt được những thành công nhất định, chị nghĩ sao nếu mọi người nói Nguyễn Hà Linh là cô gái triệu USD của startup Việt?

Tôi không nghĩ mọi người gọi tôi như thế nào. Từ trước đến nay, những dự án tôi làm đều xuất phát từ sự đam mê, nó không phải vì tiền. Tôi chưa bao giờ bắt tay vào một mô hình kinh doanh nào mà việc đầu tiên nghĩ đến là lợi nhuận. Mọi thứ diễn ra tự nhiên và tôi cũng đã nhận lại được những điều xứng đáng với tâm huyết và công sức mình bỏ ra. Còn về việc định giá tài sản, thú thật là tôi cũng chưa bao giờ tính toán xem hiện nay mình có bao nhiêu tiền.

 

 

-Người ta thường nói đến khủng hoảng tuổi 30, với một người thành công như chị có gặp phải vấn đề này?

Với một người làm kinh doanh, khi làm một mô hình mới, mở một cơ sở mới hay gặp những thử thách mới, chắc chắn có những giai đoạn xuống tinh thần. Ngay cả khi không có gì mới, tâm trạng của tôi cũng có thể không tốt. Tuy nhiên, để nói rằng bị mất cân bằng hay stress trong thời gian dài thì tôi chưa gặp phải.

Tôi lấy lại năng lượng rất nhanh đồng thời hiểu rõ vấn đề mình gặp phải là gì. Cái cốt lõi khiến tôi thành công như hiện nay là hiểu rõ bản thân mình muốn gì trong tất cả mọi thứ: từ sự nghiệp, gia đình cho đến tình yêu. Sự lựa chọn của mình may mắn là đi đúng hướng còn những gì không đi đúng hướng tôi chỉ coi nó là sự không may mắn và làm lại.

-Nhiều người khi bước vào tuổi 30, họ đứng trước câu hỏi lớn nên tiếp tục làm công việc ổn định hiện tại hay từ bỏ để tìm một cơ hội mới trước khi quá muộn. Nếu được đưa ra lời khuyên cho họ, chị sẽ nói gì?

Trong các buổi chia sẻ của mình, tôi đã nhận được những trường hợp tương tự nhờ tư vấn. Tôi thường khuyên mọi người nên ngồi xuống xem lại công việc mình đang làm có thật sự tốt hay không, nó có phù hợp với tính cách của bạn hay không.

Nếu bạn đang làm một công việc cho thu nhập tốt nhưng cảm thấy nó không phù hợp với mình, bạn chỉ đang làm việc vì tiền thì đó không phải hướng đi lâu dài. Nếu bạn nhận thấy mình có khả năng nên tìm một hướng đi để thấy mình hạnh phúc cả về tinh thần và vật chất.

Tuy nhiên nếu bạn chỉ muốn làm một điều gì mới nhưng vẫn chưa chắc đó là điều gì thì cần suy nghĩ lại. Đừng vì làn sóng khởi nghiệp đang phát triển mạnh, ai ai cũng ra làm chủ của bản thân, đề cao về tự do và tài chính mà bạn cũng phải làm theo. Tôi nghĩ những điều đó chỉ là truyền thông, bản thân mình không biết muốn gì cần gì thì rất khó thành công.

Nếu bạn có một nguồn kinh tế vững chắc và cảm thấy trong vòng 3 năm tiếp theo không cần làm gì cả vẫn có thể sống đủ đầy thì hãy dấn thân tìm kiếm đam mê. Còn nếu không đừng nên mạo hiểm, dù đang ở lứa tuổi 30, 40 hay 50 đi chăng nữa.

Cảm ơn chị!

 

← Bài trước Bài sau →
Lên đầu trang